Bộ Tài chính công bố giảm phí, lệ phí đối với nhiều lĩnh vực
Khách du lịch trong nước và nước ngoài tham quan quần thể khu du lịch Tam Chúc huyện Kim Bảng. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Bộ Tài chính ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí từ 20-50% đối với một số lĩnh vực xây dựng, du lịch, tài nguyên nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 5/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34, 35 và 36/TT-BTC, với việc giảm phí, lệ phí từ 20-50% đối với một số lĩnh vực xây dựng, du lịch, tài nguyên nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Theo quy định tại Thông tư số 34/TT-BTC về mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, kể từ ngày 5/5 đến hết ngày 31/12, một số phí trong lĩnh vực này đều được giảm 50% so với quy định hiện hành.
Cụ thể, lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 172/2016/TT-BTC); phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở (quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 209/2016/TT-BTC); phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng (quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 210/2016/TT-BTC) đều nộp bằng 50% so với quy định hiện hành.
Tại Thông tư số 35/TT-BTC về mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, kể từ ngày 5/5 đến hết ngày 31/12, một số loại Giấy phép kinh doanh sẽ được giảm tới 50% phí so với quy định hiện hành. Cụ thể, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018.
Theo quy định tại Thông tư số 36/TT-BTC về mức thu, nộp phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan Trung ương thực hiện và phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, kể từ ngày 5/5 đến hết ngày 31/12, một số phí trong lĩnh vực tài nguyên nước sẽ được giảm 20%, phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn sẽ được giảm 30% so với quy định hiện hành.
Cụ thể, đối với phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan Trung ương thực hiện sẽ nộp phí bằng 80% mức phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 270/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.
Đối với phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn sẽ nộp phí bằng 70% mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 197/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016.
Tất cả các Thông tư trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5 đến hết ngày 31/12. Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định trước ngày 5/5/2020./.
- Published in Tin tức
TP. Hồ Chí Minh: Thu hồi 1.119 tỷ đồng của doanh nghiệp vi phạm thuế
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, lũy kế 4 tháng đầu năm, qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, đơn vị đã phát hiện nhiều sai phạm và đã ra quyết định thu hồi 1.119 tỷ đồng về cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra tại cơ quan thuế 8.988 hồ sơ khai thuế, với số thuế yêu cầu kê khai bổ sung và ấn định 6,6 tỷ đồng. Các hồ sơ vi phạm gồm: 53 hồ sơ phải khai bổ sung, 216 hồ sơ phải ấn định thuế và 3.381 hồ sơ vi phạm đề xuất kiểm tra tại DN.
Song song rà soát hồ sơ, cơ quan thuế cũng tổ chức kiểm tra tại DN 4.878 lượt, phát hiện nhiều sai phạm với số thuế truy thu, phạt và truy hoàn 533,6 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) 159,2 tỷ đồng, giảm lỗ 7.701,1 tỷ đồng. Đơn vị cũng từ chối hoàn thuế 46,6 tỷ đồng, đã thu nộp NSNN 307,9 tỷ đồng.
Như vậy, qua công tác kiểm tra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các DN phải kê khai bổ sung, truy thu, phạt và truy hoàn là 540,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 159,5 tỷ đồng, giảm lỗ 7.704 tỷ đồng.
Về công tác thanh tra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 234 cuộc thanh tra, với số thuế truy thu và phạt 579 tỷ đồng, tăng 34,5% về số lượng hồ sơ và tăng 113% về số thuế truy thu, phạt, truy hoàn so với cùng kỳ năm 2019; số giảm khấu trừ thuế GTGT 36 tỷ đồng, số giảm lỗ 729 tỷ đồng.
Tính chung 4 tháng đầu năm, các cơ quan thuế của TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra DN theo kế hoạch đề ra từ đầu năm được tổng cộng 5.112 DN, phát hiện nhiều vi phạm về thuế và đã ra quyết định thu hồi tiền về cho NSNN với số thuế truy thu, phạt, truy hoàn là 1.119 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 196 tỷ đồng, giảm lỗ 8.433 tỷ đồng./.
Đỗ Doãn
Thoibaotaichinh
- Published in Tin tức
Chống trốn thuế, cần sự phối hợp của ngân hàng
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức tín dụng (TCTD), thì khó có thể ngăn chặn được tình trạng trốn thuế đối với thu nhập từ mạng Internet.
Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định, TCTD có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, nhưng trên thực tế, quy định này ít được thực hiện, vì thế rất khó ngăn chặn được tình trạng tổ chức, cá nhân có thu nhập trên mạng xã hội trốn thuế?
Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định, TCTD phải cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản cho cơ quan thuế, nhưng Luật Các TCTD năm 2010 lại quy định, TCTD phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Căn cứ vào quy định này, TCTD không cung cấp thông tin về khách hàng, khiến cơ quan thuế không có cách gì tiếp cận được.
Ngày càng có nhiều người có thu nhập rất cao trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Google…, do không có thông tin, nên cơ quan thuế phải “mò mẫm” đi tìm những đối tượng trốn thuế này.
Phải khẳng định, cách quản lý thuế từ thu nhập trên Internet như hiện nay là không hiệu quả. Muốn quản lý được, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các TCTD.
Nhưng giữ bí mật tuyệt đối cho khách hàng là trách nhiệm của nhà băng, thưa bà?
Các nhà băng Thụy Sỹ nổi tiếng thế giới về việc giữ bí mật thông tin khách hàng, không một tổ chức, cá nhân, cơ quan nào có thể yêu cầu ngân hàng Thụy Sỹ cung cấp thông tin về bất cứ khách hàng nào của họ. Nhưng đó là trước kia, còn bây giờ, các nhà băng Thụy Sỹ vẫn bảo vệ bí mật thông tin về khách hàng, nhưng trong nhiều trường hợp, nhà băng Thụy Sỹ không được quyền giữ bí mật thông tin về khách hàng cho riêng mình, mà phải chia sẻ với cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện khoản tiền gửi, tiền chuyển khoản qua ngân hàng có liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, buôn lậu…
Các TCTD Việt Nam cũng có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng, nhưng khi cơ quan thuế phát hiện ra hiện tượng trốn thuế, gian lận thuế, thì không chỉ có quyền yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, mà còn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có TCTD, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện pháp luật về thuế. Quy định này đã được luật hóa trong Luật Quản lý thuế năm 2019.
Nếu lấy lý do bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng, TCTD vẫn không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế thì sao?
Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, như cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất; thương mại; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập… Trong đó, TCTD có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thuế. TCTD không cung cấp thông tin, nếu cơ quan thuế phát hiện ra hành vi trốn thuế, thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền của TCTD thông tin trực tiếp theo đúng thời gian, địa điểm do cơ quan thuế yêu cầu. Nếu người có trách nhiệm của TCTD vẫn không hợp tác sẽ vi phạm pháp luật về tội trốn thuế và bị xử phạt, thậm chí có thể bị truy tố về tội bao che người nộp thuế để trốn thuế.
Trước đây, do không quy định chặt chẽ, nên tổ chức, cá nhân, trong đó có TCTD, không hợp tác với cơ quan thuế, nhưng kể từ ngày 1/7/2020, khi Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực, tôi nghĩ, không ai dại gì mà che giấu thông tin của người nộp thuế khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
Mỗi ngân hàng có hàng triệu tài khoản, vậy làm sao biết được khách hàng nào có hành vi trốn thuế. Do đó, cơ quan thuế vẫn phải “mò mẫm” đi tìm tổ chức, cá nhân có thu nhập để truy thu thuế, thưa bà?
Với công nghệ hiện nay, ngân hàng hoàn toàn có thể phát hiện ra tài khoản nào đó tự nhiên có nguồn tiền rất lớn chuyển vào và biết rất rõ nguồn tiền đó từ đâu chuyển đến. Ngân hàng cũng hoàn toàn nắm được những tài khoản có giao dịch liên tục, tài khoản này chắc chắn là của tổ chức, cá nhân đang bán hàng thông qua Google, Youtube, Facebook…
Phát hiện ra những giao dịch bất thường, ngân hàng báo cho cơ quan thuế. Có được thông tin, cơ quan thuế tiến hành xác minh đối tượng có thu nhập, nếu họ đã khai thuế, nộp thuế đầy đủ hoặc bán hàng qua mạng xã hội có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì thôi, còn nếu chưa thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ tiến hành truy thu, phạt tiền chậm nộp, xử phạt hành chính về thuế, cưỡng chế thuế. Như vậy, cơ quan thuế không còn “đơn thương, độc mã” trong việc chống gian lận thuế, trốn thuế.
Muốn yêu cầu TCTD chủ động thông báo thông tin cho cơ quan thuế, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải ban hành quy chế phối hợp cung cấp thông tin.
Cũng có người nói, để trốn thuế thì chỉ việc mở tài khoản tại nhiều ngân hàng, nhờ người khác đứng tên tài khoản tại nhiều ngân hàng. Tôi xin nói ngay rằng, với công nghệ hiện nay, ngân hàng sẽ phát hiện được ngay tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại nhiều ngân hàng, vì khi mở tài khoản, cá nhân phải khai báo chứng minh nhân dân/căn cước công dân, còn tổ chức phải khai báo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Published in Tin tức